Đối diện khó khăn, doanh nghiệp gỗ vẫn kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn
@vanthinh- 01-09-2021- 517
Dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt do dịch COVID-19 gây ra, nhưng ngành gỗ vẫn được nhận định có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cao trong dài hạn.
Có lẽ vì vậy mà cổ phiếu ngành này đang được nhà đầu tư chú ý hơn sau nhiều năm “thầm lặng” trên sàn chứng khoán.
Khó khăn trước mắt, kỳ vọng tương lai
Doanh nghiệp ngành gỗ hiện đang phải chống chọi với khó khăn trước mắt do dịch COVID-19 gây ra như: nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, đóng cửa nhà máy vì giãn cách xã hội…, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của những tháng cuối năm 2021.
Thực tế, khi làn sóng dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhiều nhà máy gỗ đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động theo mô hình “3 tại chỗ” trong thời gian quá ngắn.
Đơn cử, Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành đã tạm dừng hoạt động của 1 trong 3 nhà máy của công ty này đặt tại TP Hồ Chí Minh và chiếm khoảng 30 % năng lực sản xuất của công ty. Vì vậy, công ty đã phân bổ một phần công nhân của nhà máy này cho các nhà máy khác ở tỉnh Bình Dương.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, những gián đoạn hoạt động gần đây của Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành có thể gây rủi ro giảm doanh thu và lợi nhuận trong các tháng cuối năm của doanh nghiệp, do áp lực tăng chi phí hoạt động hoặc giao hàng trễ hẹn.
Bên cạnh những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, doanh nghiệp ngành gỗ cũng tiềm ẩn những rủi ro khác. Ví dụ như việc phía Mỹ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam, do kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng mạnh kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Điển hình là năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chính, quan trọng nhất của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2021, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tới 61,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 5,04 tỷ USD, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2020. Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng không thể phủ nhận được sức “nóng” của hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ trong thời gian qua và tiềm năng tăng trưởng ngành vẫn còn rất lớn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong giai đoạn năm 2016 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 15,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân trong giai đoạn năm 2016 – 2020, đạt 9,3 tỷ USD/năm. Đặc biệt, chỉ trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,58 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, sản phẩm gỗ tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), động lực tăng trưởng của ngành gỗ trong những năm tới đến từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng này có thể giúp các nhà xuất khẩu gỗ của Việt Nam gia tăng thị phần của mình tại Mỹ. Bên cạnh đó giới phân tích cũng cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 kỳ vọng sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ tại các quốc gia trong khối châu Âu.
Cổ phiếu cùng chiều kết quả kinh doanh
Cổ phiếu ngành gỗ đi lên mạnh mẽ cùng kết quả kinh doanh ấn tượng của các doanh nghiệp. Đơn cử như cổ phiếu MDF của Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị có giá 13.400 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 13/8), tăng hơn 106% so với đóng cửa phiên giao dịch đầu năm (4/1).
Quý II/2021, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị có lãi sau thuế 27 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Là một trong những công ty hàng đầu trong ngành gỗ có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã chứng khoán: GDT) cũng có kết quả kinh doanh rất tích cực. Nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 214,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 37,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, tăng trưởng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của doanh nghiệp dẫn dắt bởi mức tăng xuất khẩu 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ các thị trường chính là châu Á và châu Âu lần lượt tăng 26% và 29% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi doanh thu từ thị trường Mỹ tăng mạnh 217% so với cùng kỳ năm ngoái.
VCSC cũng lưu ý rằng, doanh số bán hàng của Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành thường cao hơn trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm. Vào đầu tháng 7/2021, doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng xuất khẩu với tổng giá trị hơn 14,5 triệu USD, hoàn thành 86% kế hoạch nhận đơn hàng cả năm 2021. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GDT chốt phiên ngày 13/8 có giá 56.7000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 38% so với chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1).
Tiếp đến, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) cũng là doanh nghiệp ngành gỗ rất đáng chú ý trong thời gian qua, khi có kết quả kinh doanh cải thiện và giá cổ phiếu đi lên. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF có giá 7.350 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 20,4% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1
Quý II/2021, doanh thu thuần của công ty đạt 438 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt gần 42 tỷ đồng sau 2 quý thua lỗ liên tiếp. Đây cũng là quý doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận cao nhất kể từ quý II/2016.
Vì thua lỗ trong thời gian dài trước đó nên đến cuối quý II/2021, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm 542 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay của công ty tính đến 30/6 là 624 tỷ đồng; trong đó, nợ vay ngắn hạn là 611 tỷ đồng. Thậm chí, theo Công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam còn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, nhờ những yếu tố thuận lợi của thị trường chung, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đang “sáng” dần. Doanh nghiệp gỗ này cho biết đã có đủ đơn hàng cho các chủ đầu tư tới hết năm 2021. Nhà máy tủ bếp có công suất 60 container/tháng tương đương khoảng 50 tỷ đồng/tháng đã hoạt động ổn định và cũng nhận được đủ hơn hàng đến cuối năm.
Trong tháng 4 năm 2021, nhà máy sofa 2 đi vào hoạt động, công suất nhà máy 1 và 2 khoảng 150 container/tháng, doanh số bình quân 40 tỷ đồng/tháng. Hai nhà máy này cũng đã nhận đủ đơn hàng để thực hiện tới hết năm.
Nhận thấy lợi thế của mình là nguồn ván tự sản xuất để cung cấp cho nhà máy tủ bếp, doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà máy ván ép công suất 9.000 m3/tháng tại Bình Định. Doanh nghiệp ước tính mỗi container mặt hàng tủ bếp xuất khẩu sang Mỹ cần tới m3 ván ép.
Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng đang kết hợp với chuỗi bán lẻ hệ thống nội thất Phố Xinh mở rộng các showroom thương hiệu đồ gỗ Casadora lớn tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Qua đó, đẩy mạnh việc tham gia vào phân khúc đồ gỗ cao cấp nội địa. Bên cạnh thị trường trong nước, công ty cũng đang tăng cường xuất khẩu sang các nước như Nga, Nhật Bản, Dubai. Phía công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục thanh lý hàng tồn kho, đặc biệt là các mặt hàng gỗ quý hiếm đã tồn đọng lâu năm.
Theo Bộ Công Thương, bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng rất ấn tượng. Đây là kết quả của việc nhiều doanh nghiệp gỗ mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới và sử dụng hiệu quả các kênh tiếp thị, bán hàng trực tuyến.
Ngành sản xuất đồ gỗ đẩy mạnh và phát triển trên các kênh trực tuyến như Alibaba.com được xem là một bước ngoặt đưa sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp cận khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành gỗ đã thành công trong việc tái cơ cấu ngành hàng, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng có giá trị gia tăng cao; trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao.